Một hôm con đi học về, thủ thỉ với mẹ:
“Mẹ ơi, mai mẹ cho con xin một ngàn để con bỏ vào heo giúp các bạn trong lớp.
Các bạn đó nhà khó khăn lắm đó mẹ. Cô con nói bạn nào có một ngàn thì bỏ một
ngàn, bạn nào có hai ngàn thì bỏ hai ngàn, bao nhiêu cũng được đó mẹ ơi.,,” Hôm
sau đi họp phụ huynh, nghe cô giáo chủ nhiệm nói chuyện, tôi liền hẹn với cô
sáng thứ sáu đi thực tế một chuyến
Trống trường vừa đổ vang kết thúc buổi
học, tôi và cô chạy vội theo em, vừa đi vừa dáo dác kiếm tìm, nếu không chẳng
thể nào biết được nơi em ở. Em không có nhà. Nơi ở của gia đình em là một chiếc
ghe đâu đó trên sông, vừa là nơi trú thân, vừa là phương tiện sinh sống. Hằng
ngày hai anh em của em tự chèo xuồng từ ghe vào bờ đi học. Hai anh em cùng bằng
tuổi nhau học lớp 1.
Những chiếc xuồng đưa các em đi học từ nhà... |
Tan trường, em vội thay quần áo ra bỏ
vào túi nylon mang theo, trên người chỉ còn lại chiếc quần cộc, cùng với anh,
chèo xuồng về. May mắn thay, tôi và cô vừa bắt kịp em khi em chuẩn bị chèo đi.
Nhắn vội với cô giáo đứng đợi cùng với con, tôi vội leo xuống bờ kè, lòng đầy hồi
hộp… Một người lớn không biết bơi và 3 đứa nhóc… Thôi kệ, cứ cầu xin mọi việc bằng
an, giày dép còn có số nữa kia mà…
Hai anh em Đức - Anh và bé Giang (bé gái) |
Chiếc ghe dần dần xa bờ, đưa tôi sang
một miền khác của cuộc sống. Tôi ngắm cảnh trên sông. Giữa trưa, trời nắng gắt,
mấy đứa trẻ đen thui, đầu trần, hồn nhiên nói cười như chích chòe, thay nhau
chèo ghe bằng chân ( còn tôi ngồi yên không dám nhúc nhích). “ Cô ơi, thằng Đức
học giỏi lắm đó cô, được điểm mười không hà.” “Cô ơi , cô có nuôi cá không, nhà
con cá bảy màu nhiều lắm, con cho cô.” “Cô ơi, con Giang nó ngủ nhiều lắm cô
ơi... ha ha” “Cô ơi, ba con Giang chết rồi...” Chiếc xuồng như chao đi một chút
trong khoảng không lộng gió...
“Nhà” bé Giang là nơi
tôi ghé đầu tiên. Trên bàn thờ là di ảnh của ba bé. Mẹ đi làm thuê từ sáng sớm.
Gia đình em phiêu bạt từ tận Sóc Trăng lên đây nhiều năm. Ba chết mất xác trong
một lần đi câu, để lại người vợ cùng 3 đứa con nhỏ dại và người bà. Anh trai lớn
tật nguyền trong một tai nạn làm đôi vai của người mẹ gánh gồng hơn. Cả gia
đình bây giờ đang ở nhờ trên chiếc ghe của người bác - vốn cũng chẳng đỡ hơn
bao nhiêu.
Tiếp tôi là người bà gần 90 tuổi, già nua, đau yếu. Chậm rãi kể cho tôi nghe chuyện gia đình, ánh mắt bà ánh lên một nỗi tha thiết chạnh lòng người đối diện.
Nơi bốn mẹ con em Giang ở nhờ (ảnh trái) và bà ngoại của em (ảnh phải) |
“Nhà “ em Đức – Anh cách đó không xa,
chỉ sau vài phút chèo là tới. Trưa nay, ba mẹ em đều có nhà cả. Ba em vừa đi
đào trùng về, người còn nguyên mùi bùn đất. Anh là người dân tộc Khơ-me, dắt
díu gia đình cũng từ Sóc Trăng lên đây sinh sống. Hằng ngày chi xin đi làm
thuê, anh đi đào trùng ven sông Đồng Nai bán cho người đi câu cá. Một ngày của
anh bắt đầu từ sáng sớm, ngâm mình trong nước ven bờ sông, trong những đám lục
bình, dùng rổ vớt bùn đất lên, rây lấy trùng ra.” Hôi tanh, ghẻ chốc là chuyện
nhỏ”, anh nói, “ chỉ mong có tiền nuôi con ăn học”. May mắn thay, hai đứa con ở
trường rất ngoan. Cô giáo khen em Đức tuy học chậm, nhưng rất nhớ bài và chịu
khó. Những điểm 8, 9, 10 nở đều đặn trên vở của em.
Hai anh em Đức - Anh cùng gia đình |
Đưa tôi về lại trên chiếc ghe khi nãy,
ba của hai em Đức – Anh chỉ cho tôi xem nơi anh đào trùng ven bờ sông. Anh nói,
mới hôm bữa vớt trùng đụng ngay người chết đuối trên sông đó cô, nghe nói là bị
chìm ghe. Tôi rùng mình lạnh hết cả người, hình ảnh của Đức ngồi chèo xuồng với
nụ cười tươi tắn hiện ra trước mắt tôi…Nén một tiếng thở dài nghe lòng chênh
vênh xốn xang, cầu xin lúc nào cũng trời yên biển lặng…
Ven sông- nơi ba em Đức bắt trùng làm kế sinh nhai |
Mấy hôm sau, tôi còn ghé thăm được nhà
một số em nữa hoàn cảnh rất éo le. Em Thiên Kim, mẹ mắc bệnh ung thư, bố không
chịu nổi cái nghèo, cũng bỏ ra đi, để hai mẹ con lay lắt. Có em, ba bị ung thư,
mẹ tảo tần bán rau ngoài chợ. Các em đều mới vào lớp 1, quãng đường còn rất xa
và rất mông lung. Dẫu vậy, cuộc sống luôn có những điều diệu kỳ không ngờ tới.
Và chính sự chung tay giúp sức của mọi người sẽ làm nên điều kỳ diệu ấy. Hãy
mang đến cho các em món quà yêu thương của cuộc sống, gieo cho các em những hạt
giống tâm hồn đầy lạc quan và hy vọng.
Xin mượn lời cô giáo chủ nhiệm làm lời
kết. “Xin mọi người hãy cố gắng giúp đỡ các em, vì nếu không có điều ấy, các em
sẽ không còn được đến trường, và xã hội sẽ có thêm những trẻ em đường phố phải
vào đời sớm vì mưu sinh.”
Hương Autumn.
No comments:
Post a Comment